VÔ MINH TRONG NGŨ UẨN.
Ngũ uẩn = Kiếp sống
Vô Minh trong Ngũ Uẩn là
Vô Minh trong kiếp sống loài người.
Vô minh ở đây ám chỉ tình trạng nghịch chiều với sáng suốt. Khi bị vô minh “thao túng” thì nạn nhân, rất khó cưỡng lại, hay cố gắng cưỡng lại cũng không được. Do đó, vô minh chỉ có trong loại chúng sinh nào, biết phải và trái, biết thiện và ác.
Tiêu biểu nhất là loài người, vi loài người là một loại chúng sanh, có cả hai, tà kiến lẫn chánh kiến. Nếu nghe lời ma quỉ mà con người thường trở nên hung dữ, thì khi hữu duyên gặp Phật, nghe pháp, con người cũng có thể giác ngộ, phá nổi vô minh, trở thành Thánh.
Các chúng sanh thấp hơn loài người, luôn luôn sống trong khao khát, sa đọa. Một số thú vật tuy có thể có bản năng khôn ngoan, như biết tránh nguy hiểm chẳng hạn. Nhưng đó không phải là sự sáng suốt, hay anh minh, mà đó chỉ là pháp hành của nghiệp để “vuông tròn” một kiếp. Vì vậy phẩm tính ngược lại với Vô minh (Avijjà), là sáng suốt (Vijjà), hằng không có trong các loại động vật ấy.
Còn các chúng sanh cao hơn loài người, như chư thiên, thì chỉ có tà kiến (micchadiṭṭhi) haychánh kiến (sammàdiṭṭhi), chứ không có sáng suốt hay vô minh chi cả. Chư thiên có chánh kiến hằng sống lành mạnh, khi nhớ Phật Ngôn, thì giác linh tiến hóa, hành thiện và giải thoát. Chư thiên tà kiến thì không biết pháp lành, chỉ chuyên hưởng thụ, khi hết tuổi thọ, tự nhiên sẽ bị đọa làm người, hay đọa thấp hơn. Sau đó “vì” chịu đựng khổ vui, giác linh làm người của họ nếu may gặp thiện pháp, may ra mới thức tỉnh, có phần nào sáng suốt (Vijjà), hay ít đi vô minh (Avijjà).
Chú ý vào hai danh từ quan trọng của đề tài, là :
VÔ MINH và NGŨ UẨN :
A/ VÔ MINH
-VÔ MINH (Avijjà) là không thấy, không hiểu, không biết.
-Không thấy, không hiểu, không biết cái gì ?
-Không thấy, không hiểu, không biết TỨ ĐẾ và BA TƯỚNG.
-TỨ ĐẾ là gì ?
-Là bốn sự thật, gồm :
1/Sự thật chịu đựng mọi cảnh hợp và bất hợp, hay «KHỔ»,
2/Sự thật tham là nguyên nhân của chịu đựng, hay «TẬP»,
3/Sự thật hết chịu đựng, hay «DIỆT»,
4/Sự thật có phương pháp chấm dứt chịu đựng, hay «ĐẠO».
Nói vắn tắc theo từ ngữ Hán Việt, bốn sự thật đó là :
KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO.
-Và BA TƯỚNG là gì ?
Ba tướng là 3 tình trạng vô thường, phiền não, và vô ngã.
-Vô thường là vạn vật thay đổi không ngừng.
-Phiền não là chịu đựng vui và khổ, trước sự thay đổi đó.
-Vô ngã là không có bản vị trong bất cứ cái gì thay đổi, hợp tan, do nhân duyên mà thành.
-Vô thường, phiền não, và vô ngã biểu hiện ở đâu ?
-Ba tướng ấy biểu hiện ở lục trần và lục căn, gồm :
Sắc, thinh hương, vị, xúc, pháp (lục trần),
và Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý (lục căn).
*Do tứ đại hợp tan mà có 5 trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc)
*Nên năm trần ấy và «cái bóng» của chúng là «pháp trần» phải vô thường.
*Ví như lời nói (âm thanh), thuộc về thinh trần, nhưng nó cũng là pháp trần, nên lời nói hay từ ngữ vốn cũng là hợp tan, nên nó vô thường, không thật.
*Sự nghe lời nói về «vô ngã» thì ấy là thinh trần và pháp trần. Nó không thật. Chỉ khi nào hành giả đắc được tâm vô ngã thì đó mới là thật. Khi ấy tịnh giả sống từng giây, từng phútmột cách tự nhiên với pháp vô ngã, chứ không ý thức mình đang sống vô ngã, không cố ý nói về vô ngã nữa.
*Sống bằng hạnh vô ngã là luôn luôn hành động vì người, không vì mình, và ý thức xác nhận rằng «mình đương nhiên chịu trách nhiệm những gì mình làm». Do đó sống vô ngã thì thực tế và lợi lạc hơn là cố ý đề cao tinh thần vô ngã. Vì đề cao «tinh thần vô ngã» mà không tự mình thể hiện, cũng là một ác pháp, một cách «cầu ngã» khác.
*Mặt khác, nghe điều lành là một pháp hành trong thinh trần. Sự nghe chỉ có giá trị tiến hóakhi người nói và người nghe có thiện duyên, để chuyển hóa, vận động pháp hành, hướng thượng. Chứ sự nghe ấy không đem lại giá trị gì cả, khi chẳng có thiện duyên.
*Nhắc câu chuyện Nhật Bản : Một «đại trí thức» đến học thiền, nhưng ông nói nhiều hơn nghe (-Nhất là nói kiến thức của mình về «tánh không» hay «vô ngã» !). Ông chỉ muốn thiền sư xác nhận «cao kiến» và «học rộng» của ông…….
Khi thấy tách trà đã tràn mà thiền sư cứ rót, ông liền chất vấn, mới hay rằng «Chỗ chứa trong tâm thức của một người đã đầy, tràn ra ngoài, thì làm sao nhận được nữa».
Đó là lý do mà thiền sư phải dùng hình ảnh rót trà để thức tỉnh ông. -Cái học để đi vào pháp hành cũng chẳng khác vậy !
*Nhiệm vụ của thiền sư trong câu chuyện, là để chia xẻ và soi sáng pháp thiền, chứ không phải để đem sách vở lý luận, kiến thức phổ thông, thuyết cho người cầu đạo nghe.
-Và cũng trong chừng mực đó, xin thưa rằng : Sự hiện diện của chúng ta ở đây, với tư cách là những «tín hữu» (upàsakà) trong đạo Phật. Chúng ta mỗi người thành khẩn nghiên cứu Phật giáo để soi sáng cho chính mình, và tùy duyên chia xẻ đến đồng đạo.
*Khi chúng ta nghe mà được soi sáng thì đó là hữu ích, là pháp tiến hóa, là pháp đưa đến phạm hạnh giải thoát. Nhưng nếu nghe mà không được soi sáng, bế tắc, thảo luận hoài vẫn không xong, luận chiều nào cũng «đúng» cả, thì đó có thể xem là vô minh.
*Tương tự như vậy, chúng ta có thể lấy cái luợc giảng về pháp trần lẫn thinh trần nêu trên làm mẫu, để chúng ta tự suy nghiệm ra các «trần» còn lại, là sắc, hương, vị, và xúc, cũng tùy theo căn cơ, và thiện duyên như thế.
-Có thể bàn thêm, trong phần ngũ uẩn với lục trần sau đây :
B/ NGŨ UẨN.
-NGŨ UẨN (Pañcakhandhà) là gì ?
-Ngũ uẩn là 5 tập hợp, gồm Sắc Thọ Tưởng Hành và Thức.
(Uẩn là tập hợp).
Nhưng trong một con người thì :
*Sắc uẩn là những gì tập hợp thành xác thân,
*Thọ uẩn là những gì tập hợp thành cảm giác,
*Tưởng uẩn là những gì tập hợp thành nhớ chấp,
*Hành uẩn là những gì tập hợp thành tư cách tạo nghiệp,
*Thức uẩn là những gì tập hợp thành cái biết.
C/ Gợi ý về VÔ MINH trong NGŨ UẨN.
1/ Vô minh trong SẮC UẨN :
-Là tâm thấy không rõ và chấp SẮC là thường còn, là bản vị của mình, không nhận ra đó chỉ là pháp hợp tan, có điều kiện, có chu kỳ.
-Nhưng khi tâm đối diện với thực tế, thoáng thấy sắc là vô thường, thì tâm bị vô minh che mờ, để cho lòng tham lung lạc, sinh ra bất toại nguyện, trước mọi hợp tan ấy.
-Rồi tâm tiếp tục chấp vào sắc tướng, cho là ta, là của ta, không biết đó là vô bản vị.
Ví dụ : Thánh nhân trong nhà Phật hằng thản nhiên trước mọi chia ly, hợp tan, sinh tử. Nhưng người phàm thì cho rằng thái độ ấy là vô tình, trái đạo nghĩa.
2/ Vô minh trong THỌ UẨN:
*Khi tâm “nhận” cảm giác, bị vô minh che mờ, không biết rằng đó là do duyên hợp mà thành, là vô thường, để cho lòng tham lung lạc, khiến tâm muốn cảm giác ấy, nếu thuận ý thì tăng thêm, có nhiều hơn nữa và kéo dài, còn nếu nghịch ý thì giảm đi, ít thôi và chấm dứt càng sớm càng tốt.
Vì mỗi cảm giác đều do duyên hợp mà thành, có «tuổi thọ”. Nên nó chỉ chấm dứt khi không còn điều kiện để tồn tại, chứ nó không chìu theo ý muốn của ta. Từ đó tâm sinh ra bất mãn, hay bất toại nguyện với cái vừa ý không kéo dài, hay với cái không vừa ý chẳng chấm dứt sớm.
Nhà Phật gọi bất mãn ấy là sân hận. Nó có khả năng kết hợp với lòng tham, tăng cường sức mạnh của vô minh, làm cho tâm nóng sốt, mê mờ.
Cảm giác thuận hay nghịch ấy chẳng phải chỉ xảy ra trong quan hệ với ngoại cảnh, mà nó còn xảy ra ngay trong chính thân tâm con người, qua bốn giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử. Vì xác thân là chỗ chứa tất cả những cảm thọ vi tế lẫn thô kệch. Thành thử vô minh càng có môi trường rất thuận tiện để tung hoành trong thọ uẩn.
*Rồi sau nếu nhờ kinh nghiệm sống, tâm chứng thực được rằng, cảm giác ấy (hay THỌ) rồi cũng sẽ trôi qua, thì vô minh lại tiếp tục che mờ, để cho lòng THAM lung lạc, phát sinh hy vọng, thèm muốn những cảm khoái khác sẽ đến. Và vì vô thường, nên những cảm giác mới lại đến,
*Từ đó, tâm tự hướng về tương lai gần hay tương lai xa, một cách dính mắc, và tin tưởng rằng cái ta cảm thọ nầy có thật.
Ví dụ :
*Nhiều lần hợp đủ nhân duyên, để cảm thấy vui sướng, thì con người trần tục kết luận, đồng hóa vui sướng ấy là TA, là hạnh phúc thế gian CỦA TA.
*Nhiều lần hợp đủ nhân duyên để cảm giác an lạc, thì con người tu viện (hay xuất gia) đồng hóa phỉ lạc ấy là TA, là đức hạnh sa-môn, hay quả thiền CỦA TA.
Nhà Phật gọi những gì hằng biến, không trường tồn, xảy đi xảy lại nhiều lần, là UẨN. Mắc dính vào UẨN là mắc dính vào cái không có. Vì vậy có câu “Năm uẩn đều không”.
*Chú ý : THỌ CẢM có 2 :
-Thọ cảm nơi riêng mình, là BIỆT NGHIỆP, và
-Thọ cảm chung với những người xung quanh, là CỘNG NGHIỆP..
-Rồi cũng chấp vào hai loại thọ cảm đó, mà loài người cho là TA, là CỦA TA hay cho là CHÚNG TA, CỦA CHÚNG TA, để sinh ra thương riêng, ghét riêng, thương chung, ghét chung..v.v….
3/ Vô minh trong TƯỞNG UẨN.
*Vì vô minh che mờ mà khi nhớ (tưởng) những gì QUÁ KHỨ, biết những gì HIỆN TẠI, nghĩ những gì TƯƠNG LAI, con người không thấy tâm thức đã bị điều kiện hóa, bởi nhân duyên hoàn cảnh, nên họ không thấy rõ vạn pháp đã, đang và sẽ thay đổi. Không chứng thật vô thường trong hiện tại !
*Rồi sau đó nhờ kinh nghiệm sống, tâm nhìn nhận có sự thay đổi (vô thường), thì lòng tham nổi lên, tìm cách đánh loãng đi, ngụy biện rằng «Vô thường, nhưng không sao ! Mọi ngươi đều như vậy cả, hiện tại còn như cũ, chưa thấy gì, chưa báo động, còn thời gian để trải qua mà ! ».Đây là sự dễ duôi !
*Càng dễ duôi, tưởng uẩn càng tự ủng cố, khiến cho tâm thức chỉ thấy được vô thường thô kệch một cách lý thuyết, mập mờ. Đó là vô thường thay đổi bên ngoài, so với quá khứ, hay vô thường, tưởng tượng sự thay đổi trong tương lai. Nghĩa là thấy cái vô thường giả.
*Từ đó, con người càng ngày càng dính vào nhớ quá khứ, tưởng tương lai, cho ấy là ta đã có và ta sẽ có. Nhưng vô thường trong giây phút hiện tại, thì hoàn toàn không thấy. Phật giáo gọi đó là cái TA sinh ra bỡi những cái không thật !
*Nghĩa là VÔ MINH trong TƯỞNG UẨN không cho chúng ta biết rằng :
-Con người sống chạy theo quá khứ và tương lai quá nhiều, nên chẳng định tâm được trong hiện tại.
-Vì vô minh nằm trong TƯỞNG UẨN, mà con người làm nhiều nghiệp xấu (ÁC), hơn làm nghiệp tốt (THIỆN).
4/ Vô minh trong HÀNH UẨN.
*Vì vô minh, mà chúng sanh nói chung, loài người nói riêng, luôn luôn hành động lầm lạc. Thân hành thì gây tội lỗi, oan trái, kết nghiệp. Tâm hành thì lẫn lộn giả với chân, thiện với ác, pháp với phi pháp, khổ với vui, thường với vô thường. Và căn bệnh nặng nhất của tâm là sở tri chướng. Đọc nhiều sách hay đoạt bằng cấp cao, cho là ta biết hết, giác ngộ.
*Nhưng khi tâm thức đối diện với thực tế, chứng kiến tình trạng xoay vần của pháp hành, thìtâm vô minh chuyển hướng, bắt đầu nhận thức vạn vật tương quan, cho rằng : Duyên hệ hay hoàn cảnh mới là điều kiện chính. Nó có khả năng làm sai biệt nhân quả, đưa pháp hành tiến lên hay đọa xuống. Bấy giờ lòng THAM được vô minh hổ trợ, lập tức dậy lên, đẩy tâm thức rơi vào nẻo cực đoan. Cực đơan cả trong ý thức lẫn hành động. Từ đó, hành uẩn không nhữngphản ứng ngược chiều với thiện pháp tiến hóa, mà còn huân tập nhiều yếu tố sa đọa. Trong năm uẩn thì hành uẩn là phương diện tạo tác.
Như trong tình trạng đã có khuôn, đã có vật liệu, mà không có kinh nghiệm, không biết đường nào để làm (vô hành)…thì cũng chẳng nắn đúc ra được gì. Nhưng giả sử trong tình trạng ấy mà “hành uẩn” nhắm mắt nắn đúc (vô minh), thì sản phẩm sẽ tầm bậy, có nhiều yếu tố phải nấu ra để đúc lại (luân hồi), hơn là đạt tới tiến bộ, tinh xảo.
*Và càng tối tăm làm bậy, thì hành uẩn càng rối loạn, vô minh càng thắng thế, đẩy pháp hành càng xa mục đích, phiêu lưu trong vòng lẩn quẩn (hay bể luân hồi). Pháp hành sai lạc, xa mục đích đó lại củng cố cái chấp vào tiền nghiệp, của hành uẩn giả tạo, cho là ta đã làm, của ta làm. Hay TA HÀNH, CHÚNG TA HÀNH. -Tin vào định mệnh, muôn đời không hóa giải lầm lạc được.
*Vì HÀNH UẨN bị vô minh che áng, mà những chu kỳ hợp tan biến hóa muôn hình vạn trạng, gồm NGHIỆP ĐỒNG và NGHIỆP BẤT ĐỒNG cứ liên tục xoay vần.
-Như một cộng một thành hai. Hai cộng một thành ba. Hai cộng hai thành bốn..v…v….chồng mãi lên.
-PHÁP HÀNH hợp tan trong sắc pháp tự nó là nền tảng của tổng hợp và phân tích, của «hợp lý» và «bất hợp lý» (Logique và Illogique) trong sở tri chướng, mà người ta lầm cho đó là «trí tuệ», nhất là lầm cho đó là “tuệ giải thoát”.
Vì vậy :
*Pháp hành của chúng sinh, nếu hoàn toàn bị vô minh che áng, thì sa đọa, luân hồi.
*Pháp hành của chúng sinh, nếu thường xuyên được thiền tâm soi sáng, có giác ngộ, thì tiến hóa.
5/ Vô minh trong THỨC UẨN.
*Vì vô minh mà con người chấp THỨC UẨN (hay tích tụ cái biết có điều kiện), cho là linh hồn BẤT DIỆT, cho thức uẩn là vĩnh viễn trường tồn. Không thấy thức uẩn hằng bị ĐIỀU KIỆN HÓA, thay đổi liên tục, vô thường.
*Rồi sau nếu cảm thấy thức uẩn thay đổi (vô thường), thì lòng THAM, không cho con người giác ngộ, nhìn nhận nó như thế, bảo rằng “vô thường là một dạng tiến hóa”(?!).
*Càng chấp vào THỨC UẨN do nhân duyên điều kiện, con người càng cho những cái biết hằng thay đổi là TA, là CỦA TA, hay CỦA CHÚNG TA.
*Vì vô minh trong thức uẩn, mà tâm trí lẫn lộn, thấy giả thành thật, thấy vô thường thành thường, thấy tốt thành xấu, thấy khổ thành vui.
*Những gì tích tụ trong «cái biết» đều là UẨN, đều là HỖN HỢP, có điều kiện cả. Nhưng thức uẩn bị vô minh che áng, khiến cho con người cho là nó tuyệt đối, thuần túy.
*Tính CỰC ĐOAN chính là KẾT QUẢ cụ thể của vô minh trong thức uẩn nầy.
*Chủ trương khổ hạnh, hay hưởng thụ, chủ trương thường kiến hay đoạn kiến..v.v…đều là pháp hành của CỰC ĐOAN.
***
Nguyên nhân ngôi nhà ngũ uẩn ?
VÔ MINH (AVIJJĀ=IGNORANCE)
-Có được thân người không phải là kết quả của một sớm một chiều, do cha mẹ ngẫu nhiên gặp nhau, thương nhau, sinh ra.
-Có được thân người, tức là đã sống vô số chu kỳ, hay nhiều kiếp, không những đã từng làm người, mà có thể đã từng làm nhiều loại sinh linh khác.
-Nhưng vì VÔ MINH mà quên tất cả, khi tái sinh, chúng sinh trở thành ngây thơ, ấu trĩ, «khờ dại».
-Cái khôn (hay kinh nghiệm trong sự sống), thực ra mỗi chúng sanh, đều đã trải qua.
-Nhưng do VÔ MINH mà quên hết, nên mỗi lần luân hồi, nhận thân mới, sinh linh phải «học» lại từ đầu, nhiều khi với giá rất đắc, trong cộng nghiệp.
-Cuối kiếp sống, tâm thức nào cũng biết là tuổi trẻ mình đã chứa đầy nông nỗi, bồng bột, ngu si, và chủ quan khờ dại.
-Ai gần xuống lỗ mà không nhận ra lý lẽ đó, là kẻ bị VÔ MINH QUÁ DÀY, thật vô phúc, đáng tiếc !
-Sự «tiến hóa» của muôn loài chỉ là kết quả của tình trạng tìm cách thích ứng với hoàn cảnh thực tại mà thôi. Nhưng người ta không chú ý đến việc “khả năng nào” đã làm cho muôn loài“tìm cách thích ứng” ?
-Và thực tại thích ứng căn bản luôn luôn chứa «BỐN NHU CẦU», thuận tiện cho BỐN OAI NGHI (đi, đứng, nằm ngồi), qua NĂM GIÁC QUAN.
-Bốn nhu cầu là :
1/ Chỗ ở,
2/ Y phục,
3/ Vật dinh dưỡng
4/ Thuốc trị bệnh.
-Bốn oai nghi là :
1/Đi, tượng trưng cho di chuyển trong hoàn cảnh.
2/Đứng, tượng trưng cho quan sát ở vị thế cao nhất.
3/Ngồi, tượng trưng cho quan sát ở vị thế trung bình.
4/Nằm, tượng trưng cho quan sát ở vị thế thấp nhất.
-Năm giác quan
là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân cung cấp 5 sự tiếp thu từ ngoại cảnh, mà tâm thức hướng đến, đòi hỏi.
VÔ MINH và NGŨ UẨN
-VÔ MINH là “khoen đầu” tiên của 12 khoen nhân duyên luân hồi. Trong luân hồi, VÔ MINH hằng làm cho tâm thức thấy NGƯỢC : hại cho là lợi, khổ cho là vui, thương cho là ghét, tốt cho là xấu, đáng gần gủi là người gian hùng, đáng tránh xa là kẻ ngay thật..v.v….
-VÔ MINH trong Ngũ Uẩn được tượng trưng bằng «TƯỞNG» (Saññā).
-VÔ MINH là nguyên nhân nguy hiểm nhất trong ba nguyên nhân THAM, SÂN, SI. Trong tham chứa đầy vô minh hay SI. Trong sân cũng chứa đầy vô minh hay SI.
-SI làm cho quên hết, không nhớ, không biết, không phân biệt, mất tất cả kinh nghiệm đúng về sự chịu đựng khổ vui, nghĩa là vô trí tuệ, bất thiện.
-Cái gì còn nhớ rõ thực trạng là KINH NGHIỆM, là TRÍ TUỆ. Nhớ ngược lại là vô minh.
-Khi hết vô minh, bậc GIÁC NGỘ có TÚC MẠNG THÔNG biết rõ mọi kiếp trước, là một điều tự nhiên, chắc chắn, không có gì đáng cho là khó hiểu.
-Nhưng người phàm đầy vô minh, mà muốn như vậy, là một điều không thể có !
-NGÔI NHÀ NGŨ UẨN phức tạp nầy, thực ra chúng sinh đã từng «ở» qua vô số lần rồi. Nhưng vì vô minh (hay si mê) làm cho quên hết, chỉ nhớ ngược, nên khi đầu thai vô lại, chúng sinh ngơ ngác, lúng túng, lạc lối, chới với, ngập ngừng.
-Chúng ta đã quay lại chính «căn nhà cũ» nầy (NGŨ UẨN) trong cõi người, để tiếp tục khổ vui, «chịu đựng» (DUKKHA), mà chúng ta không biết !
-Nói cách khác «ấy là ngôi nhà xây đắp bằng 5 uẩn», trong dục giới (Kàmaloka).
***
Bài kệ về :
«Ngôi nhà NGŨ UẨN».
Đã bao kiếp rồi,
Tôi lang thang….,
đi tìm ngôi nhà cũ !
Và thấy nó hoàn toàn mới.
Nó có bốn trụ bao quanh,
gọi là SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH,
Và một trụ ở giữa là THỨC !
Đối với tôi, nó là MỘNG lẫn THỰC
Vừa CÓ cũng vừa KHÔNG….
Vừa thường vừa bất lực….
thật là khó nhận diện.
Tôi ngơ ngác, ngập ngừng, bức rức,
vì bất cứ bộ phận nào của nó cũng «lạ».
Tôi phải học lại cách xử dụng từ đầu,
và chất hết chi tiết vào ký ức….
Một bậc Giác Ngộ nhìn tôi bảo :
«Anh đã ở trong đó rồi mà ?!....
-Ừ, thì ra…anh đã quên tất cả. !
Vì có một tấm màng đang che mắt anh,
Tấm màng nầy dày quá !… »
Ngừng một chút ….
rồi bậc Giác Ngộ nói tiếp :
«Nhưng chỉ có anh mới phá nó được !
Không ai có thể làm giùm !
Cái màng đó tên là vô minh.
Nó luôn luôn làm cho anh ô-trược.
Và vĩnh viễn sống trong cực hình,
chịu đựng muôn vạn luân hồi chấp trước !»
Tôi vội vàng qùy xuống….
để ôm chân bậc Giác Ngộ,
với lòng tham, khẩn cầu….
Xin Ngài “từ bi”cứu độ
Nhưng Ngài «đã» biến đi đâu mất !
(Ý dựa theo một đoạn Phật ngôn)
Cư sĩ Tuệ lạc biên soạn.
(10/07/2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét