Mục Đích Của Việc Tu Tập

Kính bạch Sư Phụ,
Có người tu để cầu về Cực Lạc, có người tu để hộ niệm cho thân nhân, có người tu để cho tiêu nghiệp, có người tu để phát sanh trí huệ v.v... Thế thì một người bước vào con đường tu tập, cái mục tiêu chính yếu phải là tu vì lý do gì mới đúng?
Con có thể nào giảng cho Thầy nghe: định nghĩa một cách chính xác của chữ Tu hay không?
- Chữ Tu đi kèm với chữ Sửa. Tu là sửa đổi. Mà sửa đổi là sửa cái gì? Là sửa cái Tánh, kiểm cái Ý, giữ cái Tâm cho bình. Con định nghĩa chữ tu là như vậy
Nếu sửa tánh, kiểm ý, giữ tâm bình sẽ đem lại một kết quả gì?
- Dạ, không tạo nghiệp
Không tạo nghiệp có nghĩa là sao?
- Là chặt đứt đi cái vòng sanh tử.
Nên nhớ rằng vòng sanh tử được tiếp nối liên tục, không gián đoạn bằng những điểm rất nhỏ rất nhỏ li ti li ti li ti li ti, mỗi một điểm nhỏ li ti tượng trưng cho một nghiệp lực. Nếu chúng sanh đó cố gắng làm cho nghiệp lực không phát sanh ra, thì điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là không gắn thêm một điểm nhỏ vào trong vòng sanh tử có phải vậy không?
- Dạ thưa phải.
Nếu không gắn thêm một điểm nhỏ thì tất nhiên rằng vòng sanh tử đó so với cái kiếp mình đang ở đây phải mất một lỗ hổng, có phải không?
- Dạ thưa phải.
Mà một khi nó mất một lỗ hổng thì nó còn nối lại được nữa hay không?
- Nếu mình không tạo thêm nghiệp thì không nối lại.
Đúng vậy. Do đó mà mình sẽ không tạo một nghiệp, hai nghiệp, ba nghiệp và nhiều nghiệp nữa chứ không phải chỉ một nghiệp mà thôi. Thì như vậy vòng sanh tử bị đứt quãng. Vòng sanh tử bị đứt quãng thì có còn mang cái tính chất kín đáo nữa hay không?
- Không còn liền lạc nữa.
Không còn liền lạc được nữa! Mà nếu không còn liền lạc nữa thì nó có thể nào giữ được tính chất luân hồi nữa hay không?
- Dạ không.
Do đó, TU là gì? Mục đích của chuyện tu là cắt cho đứt vòng sanh tử! Vì vòng sanh tử mang cái tính chất luân hồi, có sanh có tử, có tử có sanh, có sanh có tử, có tử có sanh, liên tục, liên tục. Cứ vẽ một vòng tròn trên trang giấy trắng và trên vòng tròn đó liên tục viết chữ sanh tử sanh tử sanh tử sanh tử thì sẽ thấy rằng nó có bao giờ chấm dứt hay không? Mầm của sanh sẽ cho ra cái quả là tử, cái quả của tử rớt xuống sẽ tạo cái mầm của sanh, rồi mầm của sanh sẽ tạo cái quả của tử, quả của tử rớt xuống sẽ thành cái mầm của sanh... Cho nên người quyết tâm tu tập phải đặt cho mình một câu hỏi:
"Tôi phải làm gì trên đường tu tập của tôi?"
Câu trả lời có ba phần hẳn hòi. Thiếu đi một phần là chữ Tu không hoàn hảo được.
  • Thứ nhất: Giữ Tâm Bình, tâm không loạn động.
  • Thứ hai: Giữ cho Ý của mình không phát khởi.
  • Thứ ba: Sửa đổi Tánh của mình để biến tánh xấu thành tánh tốt!
Khi đã làm đầy đủ hết ba phần này thì mình mới thật sự là Tu. Vì có làm đủ ba phần này thì mới có thể đi đến một kết quả là không Tạo Nghiệp.
  • Trong việc giữ tâm bình - Phải làm như thế nào để cho tâm của mình Bình?
  • Ý không phát khởi - Phải làm như thế nào để cho ý không phát khởi?
  • Làm cho Tánh của mình chuyển lại từ xấu thành tốt - Phải làm như thế nào để chuyển hóa tánh xấu thành tánh tốt?
Chu toàn hết ba điểm này, người tu tập chân chính đã đạt được mục đích của mình là cắt đứt vòng sanh tử. Một khi đã chặt đứt được vòng sanh tử là bước chân ra khỏi luân hồi.
Con có hiểu lời Thầy nói hay không?
Dạ thưa con hiểu. Tức là phải luôn luôn tâm niệm rằng mục đích của việc tu tập không phải là để thoát ly cảnh khổ hay mưu cầu một lời khấn nguyện thành tựu v.v...
Nếu mục đích của việc tu tập chỉ có thế, thì khi mình thoát ra khỏi cảnh khổ rồi, hoặc lời cầu xin của mình đã đạt được rồi, thì mình sẽ ngưng việc tu tập hay sao?
Việc tu tập cũng không phải là vì bất cứ một người nào hay vì một lý do nhân sinh nào cả!
Thoát ly cảnh khổ? Có bao nhiêu cảnh khổ trong cuộc đời? Thoát ly được cảnh khổ này, liệu có thoát ly được cảnh khổ kia hay không? Mà cái gì tạo nên cảnh khổ?
- Dạ, nghiệp lực!
Do đó phải nhắm vào điểm chánh yếu chớ không đi lòng vòng ở những điểm phụ nhỏ nhặt xung quanh.
- Xin cầu mong tất cả chúng sanh sẽ tư duy Tâm - Ý - Tánh và cùng nhau tu tập hầu đạt mục đích rốt ráo là bứt vòng sanh tử, thoát kiếp Luân Hồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét