HỎI: Thế nào là Bích-chi Phật? Vì sao các vị Phật này không thành lập Tăng đoàn? Một vị đã chứng Bích-chi Phật thì có thể chứng tiếp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?
ĐÁP:
Bích-chi Phật được phiên âm từ Phạn ngữ Pratyeka Buddha, Hán dịch nghĩa Độc giác, Duyên giác. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tập I, tr.515), cứ vào luận Đại Trí Độ, Bích-chi Phật có hai nghĩa:
1. Sinh vào đời không có Phật: Do nhân duyên tu hành đời trước, vị này tự nương vào trí huệ của mình mà giác ngộ (Độc giác).
2. Tự giác mà không nghe theo người khác: Vị này tự quán ngộ lý nhân duyên mà đắc đạo, trụ nơi Niết-bàn tịch tĩnh (Duyên giác).


Theo luận Câu Xá (q.12), có hai loại Độc giác:

1. Bộ hành Độc giác là chỉ cho hàng Thanh văn đã chứng quả Bất hoàn (A-na-hàm), kế đến chứng đạt quả A-la-hán nhưng không nương tựa vào Phật mà tự tu chứng ngộ.
2. Lân giác dụ Độc giác là chỉ những vị tự tu hành 100 đại kiếp chứa đủ thiện căn công đức mà giác ngộ.


Bậc Bích-chi, Duyên giác hay Độc giác chỉ có tâm hạnh tự lợi mà không có tâm lợi tha, không khởi tâm đại bi cứu độ chúng sanh, an trú Niết-bàn tịch diệt nên không thành lập Tăng đoàn, hoằng hóa độ sanh.
Bậc Bích-chi, Duyên giác thuộc Duyên giác thừa (giữa Thanh văn thừa và Bồ tát thừa) đã thành tựu phần tự lợi (tâm giải thoát), an trú Niết-bàn. Tuy nhiên, theo lý tưởng Đại thừa Bồ tát thì bất cứ ai, nếu phát tâm bồ đề, hành Bồ tát đạo, thực hành tự giác và giác tha cho đến ngày công viên quả mãn thì chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.