Hai bậc đại hiếu


 1- Tôn Giả Sāriputta!
(Xá Lợi Phất)
blank
Tôn tượng Tôn giả Xá Lợi Phất
Hôm ấy, tôn giả Sāriputta thấy đã hội đủ duyên thời nên cùng với hội chúng tỳ-khưu về quê nhà để ngài có dịp báo hiếu mẹ.
Ngôi làng Nālakā cũng được gọi tên là Upatissa, trước đây bà-la-môn giáo rất thịnh hành, bây giờ đã đến lúc suy tàn. Cả hàng trăm chỗ thờ cúng, lễ lạy nơi đền thiêng, bảo tháp, cội cây giờ đã trở nên hoang lạnh. Rất nhiều gia đình đã quy giáo đức Thế Tôn. Rất nhiều tỳ-khưu, sa-di xuất thân từ những gia đình danh giá, cao sang ở đây. Chỉ riêng bà Sārī là khư khư bất động theo với đức tin tôn giáo cũ là kính ngưỡng, thờ lạy, cúng tế đấng Phạm thiên cao quý của mình.
…Dừng chân dưới những tàn cây cừa cổ thụ, chư tăng tìm nước rửa mặt, tay chân. Trời đã về chiều, khói hoàng hôn bãng lãng xa gần giữa những vườn xanh trùng điệp. Làng quê trông thật yên ả, thanh bình. Nơi đây đã một thời tôn giả Sāriputta lớn lên, học hành, suy tư, chiêm nghiệm và trưởng thành. Tất cả trở nên mồn một trong ký ức. Bây giờ, tôn giả Sāriputta đã là một con người khác, rất gần mà cũng rất xa con người cũ ấy. Dường như ngài không còn dính bất kỳ một quê hương nào nữa cả, không lý lịch, không tên tuổi, đã bước ra ngoài tất cả mọi hiện tượng, mọi quy ước trên trần thế.
Có một đứa trẻ dừng lại nhìn ngắm chư tăng với đôi mắt đầy thân thiện. Khi hỏi ra mới biết đó là cháu trai của ngài, bà nội nó là em của mẹ ngài. Tôn giả Sāriputta kêu lại và nói:
- Cháu đoán ra ta là ai không?
- Cháu đoán ngài là con của bà dì nội cháu!
- Thế là giỏi! À, này cháu! Cháu có biết bà dì nội cháu có nhà không?
- Dạ có ạ!
- Vậy thì ta nhờ cháu làm giúp một việc nhé?
- Dạ vâng ạ!
- Cháu vào làng, nói với bà dì nội như thế này: “Con trai trưởng của bà dì nội, sa-môn Xá Lợi Phất cùng với anh chị em, con của bà dì nội đang về đến đầu làng”. Cháu nói thế có được không?
- Dạ được!
- Hãy nói như thế này nữa: “Sa-môn Xá Lợi Phất sẽ xin ở trong nhà bà dì nội một ngày. Vậy xin bà dì nội sửa soạn, sắp xếp căn phòng mà thuở xưa con trai trưởng của bà dì nội chào đời. Ông ta sẽ xin được ở lại đấy! Ba con trai, ba con gái của bà dì nội nhớ thương bà dì nội lắm! Ngoài ra, xin bà dì nội hoan hỷ sắp xếp chỗ ở cho năm trăm vị tỳ-khưu nữa! Năm trăm vị, cháu nhớ không?”
Y lời, trẻ tên là Uparevāta, chạy vụt đi, đến nhà bà Sārī:
- Thưa bà dì nội, con trai trưởng của bà dì nội đã về đến đầu làng.
Lòng người mẹ rất thương nhớ con, nghe vậy rất vui, nhưng lại cất gọng xẵng:
- Nó về đây làm gì?
- Thưa, ngài không về một mình mà có cả ba con trai, ba con gái của bà dì nội nữa; họ nhớ thương bà dì nội lắm!
Trái tim của người mẹ già nua xúc động bồi hồi, cảm nghe như máu đang chảy loạn trong lồng ngực vì vui mừng, nhưng giọng bà vẫn lạnh tanh:
- Chúng nó nói dối đấy! Đi biền biệt còn nói thương với nhớ gì!
Đứa bé cười hì hì, chưa đưa hết thông tin:
- Mà còn có cả năm trăm vị tỳ-khưu nữa đấy!
- Làm gì mà đông dữ vậy! Bắt “con mọi già” này hầu hạ chúng chăng?
Đứa bé vẫn vô tư:
- Bà dì nội phải sửa soạn căn phòng thuở xưa, chỗ mà con trai trưởng của bà dì nội chào đời, cho ngài ấy ở. Rồi lại còn phải sửa soạn hơn năm trăm chỗ ở khác nữa đấy. Có ba cô ni, cháu đoán được nên nhìn ra; còn ba người con trai khác lẫn lộn giữa rừng áo vàng, cháu không biết! Ôi! Đông lắm! Vui lắm nha!
Khi đứa bé đi rồi, bà Sārī tự nghĩ:
“- Đúng thật là cái thằng ngu! Đã ngu rồi còn dẫn theo các em nó đi theo con đường ngu nữa! Bây giờ, lại kéo theo cả bầy, cả lũ cùng đến đây! Cái gia đình này giàu lắm mà! Nó đã không cần, sao còn về đây mà báo hại? Mà sao lạ? Có bao giờ nó thèm xin ở lại một đêm đâu? À, hay là nó đã chán cái đời sống không cửa không nhà, muốn về đây trong những ngày tháng cuối cùng để ngủ cho đã, ăn cho sướng, mặc cho ấm? Rõ là đã quá muộn rồi con ơi, con cũng đã gần bảy mươi tuổi đầu rồi, còn “cá mú” gì được nữa? Rồi còn tụi kia, hà cớ chi mà cùng nhau dẫn về đây một lần?”
Bà Sārīthở dài nhưng cũng sai gia nhân sắp đặt đâu đó tươm tất đàng hoàng. Trời đã tối, bà còn sai gia nhân đốt hàng chục cây đuốc sáng rực, đến đầu làng dẫn tôn giả và chư tăng về nhà.
Lát sau, tôn giả và chư tăng bước qua sân gạch rộng thênh thang. Gia nhân đứng lố nhố, thắp đèn sáng rực như ban ngày. Ai cũng muốn nhìn mặt những người con trai, con gái của chủ sau mấy chục năm xa cách.
Tôn giả bước đến bên bà Sārī, cúi đầu xuống:
- Thưa mẹ! Con, Xá Lợi Phất đã về!
Các con trai đều vòng tay, khép nép:
- Thưa mẹ! chúng con là Cunda, Upasena, Revata – các con trai của mẹ cũng đã có đủ mặt ở đây rồi!
Các vị tỳ-khưu-ni liến thoắng, cười vui cùng đến ôm vai bà:
- Còn chúng con là con gái của mẹ, là Cālā, Upacālā, Sīsupacālā cũng đồng có mặt.
Bà Sārī họm hem căng mắt nhìn. Tim bà đập như trống làng. Mừng quá, bà muốn khóc, nhưng cố trấn tĩnh, chống gậy lui vào phòng, nói mà không hề ngoái lại:
- Có gì mai hãy nói! Chỗ ở của ông Xá Lợi Phất yêu cầu, đã được dọn sẵn. Tụi con trai, con gái bọn bây thì cứ tìm là thấy, phòng đứa nào còn nguyên phòng đứa đó. Chỗ ở cho hơn năm trăm vị tỳ-khưu đều đâu đó cả rồi, có gì sai bảo, nước nôi, giặt giũ thì đã có gia nhân sẵn sàng túc trực hẳn hoi!
- Chúng con cám ơn mẹ.
- Đừng khách sáo!Bà nói – đã về đến đây rồi thì các người là chủ, vậy, cứ tùy nghi!
Rồi bà Sārī đóng phòng lại. Trưởng lão Mahā Cunda, tìm chỗ quý trọng cho tôn giả A Nậu Đà La. Còn Upasena, Revata thì hướng dẫn chư tăng tìm các chỗ ở, phòng ngủ, nước uống, chỉ cầu tiêu, phòng tắm…
Quả đúng là một cơ ngơi vĩ đại, không thiếu bất cứ một tiện nghi gì. Chư tăng rất thán phục anh chị em của tôn giả, dám khẳng khái từ bỏ một cơ ngơi như cung điện của vua chúa thế này. Nếu chư tăng còn biết rõ gia sản hiện kim của gia đình ngài lên đến chín trăm triệu đồng tiền vàng thì họ còn phải ngạc nhiên, kính phục đến chừng nào nữa!
Ba vị tỳ-khưu-ni A La Hán đến gõ cửa phòng bà Sārī, định trò chuyện với mẹ nhưng bà không mở cửa, nói vọng ra:
- Tụi bây là con gái hư! Có chồng giàu có, có con trai nối dõi đàng hoàng thế mà ưa thích ôm bát đi ăn xin! Thật là chẳng còn thể thống gì nữa!
Cả ba vị mỉm nụ cười ở trong tâm, tìm về căn phòng cũ của mình, nói nhỏ với nhau: “Mẹ chỉ còn chấp thủ, cứng đầu đêm nay nữa thôi!”
Tôn giả Xá Lợi Phất bước vào căn phòng xưa, vừa ngồi vào giường là một căn bệnh trầm trọng phát sanh. Trưởng lão Mahā Cunda thấy đại huynh trưởng có vẻ đau đớn, ái ngại hỏi:
- Em có giúp gì được cho đại huynh không?
- Có lẽ đêm nay phải làm phiền các em đây!
- Được giúp đại huynh lần cuối này, không dễ gì ai cũng có được cái may mắn, hạnh phúc ấy!
- Ta bị bệnh tả lỵ đấy các em ạ! Hãy chuẩn bị mấy cái “chậu” đựng chất thải.
Thế rồi, sau đó tôn giả đi tả liên hồi. Trưởng lão Mahā Cunda đi vào đi ra hoài với cái chậu trên tay. Lát sau, trưởng lão Upasena và đại đức Revata sắp đặt chỗ ở cho chư tăng xong xuôi, tìm đến, họ thay công việc cho anh.
Bà Sārī thấy phòng con trai trưởng còn thắp sáng, lịch kịch có tiếng động, bà hé cửa nhìn sang. Thấy Cunda rồi sau đó là Upasena, Revata tất tả vào ra, bà biết chuyện. Cho đến gần nửa khuya, bệnh mới giảm bớt. Bà nghĩ:
“- Con trai của ta đi tả liên tục, chắc là đau đớn lắm, nhưng nó không hề rên la lấy một tiếng. Thiệt lạ đời! Cả các ông Cunda, Upasena, Revata cũng vậy, cũng lặng lẽ! Ồ! Mà cả năm trăm con người ta cũng đều lặng lẽ như thế, không một tiếng ho, tiếng khạc nhổ, không cả tiếng nói chuyện rầm rì! Sao họ giống nhau đến thế? Ôi! Người mẹ này lo lắng cho ông con trai trưởng mà dường như không dính líu gì đến chúng nó cả”.
Bà không thể ngủ được, bên ngoài thì có vẻ lạnh lùng mà bên trong lại bồn chồn không yên; bà cứ dỏng tai lắng nghe, dóng mắt để nhìn.
Lúc ấy, Tứ Trấn Thiên Vương gặp nhau, nghĩ rằng họ phải có bổn phận đi thăm lần chót bậc thượng thủ A La Hán trưởng lão nên đã với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay, hào quang sáng rực, họ hiện trong phòng ngài, cung kính lễ bái rồi đứng hầu một bên. Tôn giả biết chuyện này nên dùng thần thông để cho bà Sārīnghe thấy quang cảnh và cuộc đàm thoại.
Tôn giả hỏi lớn:
- Các vị là ai?
- Bạch tôn giả, chúng đệ tử là Tứ Đại Thiên Vương cai quản bốn châu thiên hạ.
- Các vị đến đây có việc gì?
- Thưa, thứ nhất là để chiêm ngưỡng, thăm viếng tôn giả lần cuối cùng, thứ hai là đến đây để tôn giả tùy nghi sai bảo.
Tôn giả nói bằng âm thanh của Phạm Thiên:
- Vậy thì cảm ơn các vị trời đầy oai đức đã bỏ công thăm viếng. Bệnh tình tôi đã thuyên giảm, lại có các trưởng lão và đại đức ở đây, khỏi phiền đến các vị. Thời cũng đã phải lẽ, các vị hãy về đi thôi!
Họ vâng lời, đảnh lễ tôn giả, rồi như vầng trăng sáng, họ mất hút giữa hư không.
Thiên chủ Đế Thích, thiên vương cõi trời Đao Lợi nghĩ mình phải có bổn phận đưa tiễn bậc Đại Chưởng Pháp nên với oai nghi, hào quang, thần lực hiện bên giường tôn giả trong chớp mắt. Cũng qua một hồi đối thoại ngắn, trời Đế Thích cung kính đảnh lễ rồi xin rút lui.
Trời đã khuya, không những trong vườn bà Sārī mà dường như cả làng Nālakā đồng trở nên sáng rực. Đó là các vị Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên Sāhampati xuống hầu tôn giả Xá Lợi Phất, cũng cung kính nghiêng lưng thi lễ và muốn săn sóc bệnh tình cho ngài. Tôn giả cảm ơn và rồi họ cũng cáo biệt.
Bà Sārīchứng kiến từ đầu, thấy rõ quang cảnh và nghe không sót một lời nào, bà nghĩ rằng:
“- Không biết những vị nào như các đấng Thiên Thần oai lực và cao sang như thế lại đến thăm con ta, đảnh lễ con ta rồi nói gì rằng là… hầu hạ… sai bảo nữa? Mà cũng kỳ lạ, là con trai ta có vẻ lớn hơn họ, là bậc thầy của họ?”
Bà Sārī rời phòng, rón rén đến tận cửa phòng của tôn giả, muốn gặp các ông con traiđể thăm hỏi bệnh tình. Tôn giả đã biết chuyện này nên bảo các emmở cửa để bà Sārī vào.
Tôn giả Xá Lợi Phất dựa lưng trên chiếc gối, ngồi dậy:
- Đã khuya rồi mẹ chưa đi ngủ sao?
- Mẹ ngủ sao được khi tả lỵ nó hành hạ con như thế!
- Con đã khỏe rồi mẹ ạ!
Bà Sārī lặng lẽ quan sát thần sắc của tôn giả, thấy có hư hao nhưng vẫn toát ra cái an nhiên, thanh thản đến lạ kỳ! Các ông con trai kia cũng thế, đứa nào cũng rất trầm tĩnh và dường như đối với chúng, chẳng có gì xẩy ra? Rồi căn phòng bệnh của tả lỵ, mà sao lại thanh sạch và lại còn tỏa hương thơm kỳ diệu như thế – một loại hương thơm không có trên trần gian! Bà đâu có biết rằng đấy là các vị trời đã âm thầm bỏ lại hương trời để tẩy xú khí!
- Này con!Bà Sārī hỏi – Tại sao đã khuya rồi mà có những người đến thăm con như vậy? Các vị đầu tiên là ai mà oai phong lẫm liệt, oai gấp trăm lần vua loài người, mà chung quanh họ lại sáng rực như có hào quang? Họ là những ai vậy con?
Chưa trả lời vội, tôn giả bảo trưởng lão Cunda lấy cho mẹ một cái ghế, còn tôn giả sửa lại oai nghi, ngồi kiết già rồi mới nói chuyện:
- Thưa mẹ! Đấy là bốn vị vua trời, còn gọi là Tứ Đại Thiên Vương oai trấn bốn châu thiên hạ đấy mẹ ạ!
Bà Sārī rùng mình, nổi gai ốc: “Hèn gì!” Rồi bà bồn chồn hỏi tiếp:
- Họ oai đức như vậy, cao sang như vậy, sao họ lại đến thăm con, cung kính đảnh lễ con? Có lẽ nào con lại cao hơn họ sao?
- Thưa mẹ!Tôn giả mỉm cười, cất giọng ôn nhu, dịu dàng -Những vị trời ấy có tâm rất cao thượng, họ hằng hộ trì Phật Pháp. Khi đức Đạo Sư đản sanh, chính họ tiếp bồng hoàng tử bằng tấm da mịn. Họ luôn luôn bảo vệ đức Đạo Sư, như bốn vì Thiên Tướng cặp kè với gươm giáo sáng lòe làm người hầu cận vậy. Con cũng hay giảng đạo, dạy đạo cho họ nên họ cung kính con, coi con như bậc thầy! Các em con đây cũng thế, đều là vai vế bậc thấy bốn ông Thiên Vương oai vệ ấy!
Bà Sārī nghe vậy, hoan hỷ đến tận chân tơ kẽ tóc. Móm mém cười, bà hỏi tiếp:
- Còn vị đến sau? Vị đó ngó bộ oai sang hơn bốn vị trước! Cái thân như tạc bằng ngọc ngà châu báu, hào quang đã sáng mà lại còn rất đẹp nữa. Ôi, lại đẹp một cách lạ lùng! Vị ấy là ai?
- Thưa mẹ! Vị đó là vua cõi trời Ba Mươi Ba, là vua cõi trời Đao Lợi mà người ta hay gọi ngài là Đế Thích Thiên Vương. Vị này còn là vua của bốn vị đến trước nữa. Thế gian hay gọi vị này là Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì ngài có rất nhiều oai lực, nhiều thần lực kinh khiếp lắm!
- Vị như vậy mà còn thua cả con sao?
- Thưa mẹ! Đối với tỳ-khưu, đối với chúng con thì vị trời ấy cũng như một chú sa-di, một người hầu để sai bảo việc vặt thế thôi!
- Khiếp! Nghe ông con nói mà khiếp!
Tôn giả cười cười trong ánh mắt:
- Mẹ không tin sao? Để con gọi ông Đế Thích ấy xuống đây, sai bảo cho mẹ xem nhé?
Bà Sārī chối đây đẩy, xua tay lia lịa:
- Thôi! Thôi! Mẹ tin rồi! Thấy oai tướng của ông trời ấy mẹ đã khiếp rồi! Mẹ đã run rồi! Mẹ thiếu đức, thiếu phước nên sẽ cúi đầu, run rẩy trước ông ta mà thôi!
Tôn giả chậm rãi, giải thích tiếp:
- Có một mùa an cư, đức Thế Tôn nhập hạ ở cõi trời ấy về. Chính vị trời Đế Thích cao sang ấy đã mang y bát cho đức Thế Tôn, tiễn đưa đức Thế Tôn đến tận quả đất với lòng thương kính và trân trọng vô hạn.
- Thật vậy sao?
- Còn nữa mẹ ạ! Vị vua trời ấy rất cao sang, rất nhiều thần lực mà cũng khá cứng đầu, khó dạy! Có lần, bạn của con là Mục Kiền Liên, chắc mẹ nhớ Mục Kiền Liên là ai rồi, do nhắc nhở, dạy bảo ông ta, đã dùng một ngón chân làm cho cả Ba Mươi Ba tòa cung điện của ông ta rung rinh, chao đảo, ông ta sợ hãi lắm! Vị vua trời ấy, là đệ tử của đức Tôn Sư, cũng là học trò của con; không những ông ta kính trọng con mà còn rất sợ con khiển trách đấy mẹ ạ!
- Khiếp! Khiếp! Không ai ngờ con lại oai lực đến thế!
Tôn giả mỉm cười. Các ông con trai A La Hán cũng mỉm cười!
Trưởng lão Mahā Cunda nói:
- Mẹ chưa biết đấy! Oai lực con trai trưởng của mẹ, mười lần mà chưa nói được một đấy!
Trưởng lão Upasena rắc thêm hương:
- Mẹ ơi! Không những các anh trai của con mà ngay chính Revata bé bỏng thuở xưa của mẹ, cái ông Đế Thích ghê gớm kia cũng phải cúi đầu đảnh lễ đó!
Đại đức Revata nhũn nhặn, khôn ngoan tiếp thêm lời:
- Điều ấy là đúng sự thật đấy mẹ ạ! Nhưng chính mẹ mới là người vĩ đại, cao quý nhất, vì nếu không có mẹ thì chúng con ở đâu ra? Ân đức của mẹ còn to lớn hơn mấy ông trời ấy không biết chừng nào mà kể!
Bà Sārī hoan hỷ đến nỗi cả da gà toàn thân. Trấn tĩnh một lát, bà tiếp:
- Rồi còn mấy vị đến sau, hào quang sáng cả vùng trông rõ mồn một như ban ngày? Ôi! Các vị này thân thể như ánh sáng, nhẹ nhàng, thanh cao và tinh khiết làm sao! Mới thấy họ thôi mà tâm hồn mẹ đã lâng lâng, mát mẻ vô cùng. Họ là những ai vậy con?
Tôn giả đáp:
- Thưa mẹ! Đấy chính là những vị Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên là những bậc Thần Linh Cao Cả mà cha mẹ cũng như dòng họ chúng ta hằng tôn thờ từ đời này sang đời kia đấy!
- Hả?!!!
Bà Sārītròn xoe đôi mắt, ngạc nhiên quá, miệng dường như không còn ngậm lại được.
Biết mẹ đã khởi tâm tịnh tín, tôn giả nói tiếp:
- Vào ngày đức Đạo Sư xuất thế, có bốn vị ở cõi trời Ngũ Tịnh Cư, bốn người bốn góc đã căng một tấm lưới bằng vàng mịn tiếp bồng hoàng tử. Thường thường vào buổi khuya, đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe. Không những họ coi đức Thế Tôn là bậc thầy vô thượng mà họ cũng xem chúng con như bậc thầy mà họ hằng ngưỡng mộ, tôn sùng! Vừa rồi, có vị Đại Phạm Thiên Sāhampati, là bạn thân của đức Đạo Sư từ thời Phật Ca Diếp cũng đến đảnh lễ, thăm viếng con đấy mẹ ạ! Vị ấy hằng hộ trì đức Thế Tôn, tăng chúng cũng như giáo pháp!
Bà Sārī tâm tư đã hoàn toàn đổi khác, bà nghĩ:
“- ôi! Ai ngờ rằng con trai ta mà cao siêu, cao cả đến thế, cho đến các vị Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên mà dòng tộc ta tôn thờ, lễ lạy, cúng kiến từ đời này sang kiếp nọ cũng ở dưới con ta không biết bao nhiêu bực? Còn nói là đến đây để con trai ta tùy nghi sai bảo nữa? Ồ! Nếu vậy, con ta đã là bậc Đại Thánh trên đời sao?! Và dường như mấy ông con kia, oai lực cũng không kém gì! Ôi! Nếu con trai trưởng của ta, các ông con kia đã là vậy thì oai đức của đức Thế Tôn kia cao lớn biết dường nào?”
Một sự thỏa thích, hoan hỷ tràn ngập tâm tư bà; một niềm mát mẻ, trong lành tỏa khắp cả châu thân bà. Tôn giả Xá Lợi Phất ghi nhận được sự diễn biến ấy; và đây là thời tốt đẹp nhất để thuyết cho bà rõ về ân đức của Tam Bảo.
Tôn giả bèn hỏi:
- Thưa mẹ! Mẹ nghĩ gì mà khuôn mặt mẹ rạng sáng đến như vậy?
- Này con! Không rạng sáng sao được khi không những con, mà các con trai của mẹ đều cao cả hơn các ngài Đại Phạm Thiên? Và chắc chắn rằng thầy của con, đức Thế Tôn lạ lùng ấy, rõ đúng là vô biên vô lượng ân đức nhất dưới gầm trời này!
Tôn giả gật đầu:
- Đúng vậy mẹ ạ! Mẹ đã suy nghĩ rất đúng. Ân đức của một vị Phật thì chính ngay hư không hay biển cả kia cũng không thể so sánh được. Mẹ biết không? Dễ gì có một đức Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên đời này? Phải kể đến hằng trăm đại kiếp mới tượng ra được một nhân cách chí thiện, chí mỹ và đại toàn như thế. Ngày đức Đạo Sư ra đời, quả địa cầu dày bốn mươi do tuần này rung chuyển ba lần. Ngày đức Thế Tôn thành đạo cũng thế. Không những địa đại rung chuyển mà cả hằng vạn cõi trên khắp đại thiên thế giới cũng chao đảo, chấn động như sóng dội!
Thưa mẹ! Con thì đã có nghĩa gì, mặc dầu giữa thế gian này, con đứng hàng thứ hai sau đức Phật! Về phước đức, về định lực, về trí tuệ, về giải thoát, về kiến thức hiểu biết quảng đại, về phẩm hạnh, về công hạnh, về các tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả thì con cũng đã thành tựu khá nhiều; nhưng so với đức Phật, một vị Chánh Đẳng Giác thì có thể ví như hạt cát so với biển cát của con sông Đại Hằng, như một hạt bụi so với ngọn Hy Mã Lạp sơn!
Rồi tuần tự, từ từ, chậm rãi, tôn giả nói cho bà Sārī nghe về ân đức của Phật, ân đức của pháp, ân đức của tăng… làm cho bà Sārī như rơi vào vùng biển trời bao la, lạ lùng, choáng ngợp, hùng vĩ, huy hoàng… Thời pháp chưa chấm dứt mà bà đã đắc quả Tu Đà Hoàn, nhập vào dòng thánh.
Bà Sārī hoan hỷ quá, hân hoan quá, bà thốt ra lời trong những giọt lệ mừng vui, lần thứ nhất và cuối cùng ở trong đời:
- Này Upatissa! Này các con! Từ nay mẹ không dám gọi xách mé nữa, mà mẹ sẽ gọi ông là tỳ-khưu Upatissa, là sa-môn Xá Lợi Phất! Mẹ sẽ gọi các con trai, con gái mẹ đều tương tợ như thế! Các người đã có ân đức vô lượng vô biên, đã cho mẹ uống được những giọt nước ngọt ngào, đã cho mẹ thấy rõ đường đi nước bước, biết đặt đức tin đâu là đúng, đâu là sai. Ôi! Quý hóa thay! Này sa-môn Upatissa! Này các con trai yêu quý của mẹ! Sao từ trước đến nay các vị không chịu dẫn dắt mẹ? Tại sao trong suốt những năm tháng qua, các người đã không cho mẹ một sự hiểu biết Chơn Chánh và Bất Tử này?
Tôn giả Xá Lợi Phất hân hoan, tự nghĩ:
“- Thế là ta đã báo đáp được trong muôn một ân sinh thành dưỡng dục cho mẹ. Và đấy chính là điều phải làm duy nhất còn lại đối với ta. Vậy mọi bổn phận trên đời này ta đã hoàn tất, đã chu toàn, ta ra đi là phải lẽ, đúng thời”.
Khi bà Sārī rời khỏi phòng, tôn giả quay qua hỏi các em:
- Giờ là canh mấy rồi?
- Thưa, đã quá canh ba, trời đã rạng sáng.
- Ta muốn nói chuyện với chư tăng lần cuối cùng, các em triệu tập giúp ta nhé!
- Thưa vâng!
- Ta đã tập trung tất cả mọi sức lực còn lại để nói chuyện với mẹ, giờ ta yếu lắm! Các em hãy bảo người khiêng ta ra Nhà Hội, chư tăng cũng sẽ tụ họp ở đấy! Các vị thánh tỳ-khưu-ni thì chắc họ biết rồi!
- Thưa vâng!
Khi đã an vị đâu đó xong xuôi, nhìn chư tăng hội chúng đệ tử một cách rất ân cần, tôn giả nói:
- Tất cả mọi điều đáng nói, ta đã nói hết rồi. Bây giờ ta chỉ xin các thầy hoan hỷ bỏ lỗi cho ta vì một vài hành vi hay lời nói nào đó mà làm cho các thầy buồn lòng. Trên con đường tấn tu phạm hạnh, ai cũng có những sai lầm, không nhiều thì ít. Đây là giây phút cuối cùng, các thầy hỷ xả bỏ qua cho ta nhé?
Chư tăng đệ tử của tôn giả đồng trả lời:
- Ngài đừng nói như thế mà tội nghiệp cho chúng con. Ôi! Quả thật một sự mếch lòng nhỏ như hạt bụi giữa ngài đối với chúng con cũng không có! Với chúng con, ngài là một viên ngọc Maṇi không tỳ vết, là mặt trăng, là mặt trời lồng lộng giữa không trung! Dù ngài có ra đi, có khuất bóng, dấu chân Bất Diệt và Cao Cả của ngài vẫn còn đó. Chúng con nguyện đi theo dấu chân ấy và ghi khắc hình ảnh của ngài vào tâm khảm. Phải nói ngược lại mới đúng: Xin ngài hoan hỷ xá tội cho những lầm lỡ của chúng con!
- Lành thay! Tôn giả nói, giọng đã yếu lắm -Hãy lấy Phật làm ngọn đèn, hãy lấy pháp làm chân lý lên đường, hãy lấy tăng làm áo giáp ngăn che. Vậy là các thầy sẽ được bình an về nơi cõi miền giác ngộ.“Hãy tinh tấn, gia công chuyên niệm, kiên trì chăm chú, giác niệm đừng có xao lãng, đấy là lời dạy cuối cùng của ta”.
Lát sau, tôn giả nói:
- Thôi, vừa rồi, đủ rồi! Các thầy hãy lui ra!
Cả năm trăm vị tỳ-khưu, rất nhiều vị đỏ lệ ngậm ngùi nhưng đều vâng dạ, bước ra ngoài, vòng tay cúi đầu hoặc nhìn vào. Bên cạnh tôn giả chỉ còn trưởng lão A Nậu Đà La và sáu vị thánh A La Hán em trai và em gái ngài!
Tôn giả ngước nhìn tất cả mọi người rồi nói nho nhỏ:
“- Giờ là phải thời, cho phép tôi ra đi trước chư hiền!”
Các vị lặng lẽ chấp tay, cúi đầu. Tôn giả xoay người nằm nghiêng về bên phải, chân phải duỗi thẳng, chân trái co lên, đầu gối lên cánh tay phải, tay trái bỏ dọc theo thân mình. Trưởng lão Mahā Cundakéo y ngoại phủ chân và phủ đầu ngài. Lát sau, nhiếp tâm, tôn giả nhập sơ thiền, từ sơ thiền ngài đi vào nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên thiền, thức vô biên, vô sở hữu, phi phi tưởng rồi đi vào diệt thọ tưởng định. Từ diệt thọ tưởng định, một lượt nữa, ngài xuống lại sơ thiền. Từ sơ thiền ngài lên lại tứ thiền. Dừng lại ở tứ thiền, ngài trú sâu viên mãn vào đại định rồi hoàn toàn đi vào Đại Bát Niết Bàn Tịch Diệt.
Lúc ấy, vầng thái dương cũng bắt đầu ló dạng ở chân trời như chào đón một bậc Vĩ Nhân, một Ngôi Sao Sáng đã đi vào vĩnh cửu.
Hôm đó là ngày trăng tròn tháng Kattikaở Ấn Độ, vào khoảng giữa tháng 10 và 11 Dương lịch.
… Bà Sārī nằm nghỉ một lát thì trời đã sáng bừng, bà vội vã trở dậy với ý nghĩ: “Không biết bệnh tình của ông con của ta giờ ra sao?” Bà bước sang phòng, vắng tanh. Các phòng khác cũng thế. Thấy mọi người trang nghiêm đứng trong Nhà Hội, bà bước vào. Tới nơi chỗ nằm, bà lần lượt sờ chân, sờ mũi, sờ đầu mới biết rằng tôn giả đã tịch! Bà liền quỳ dưới sàn phòng, than khóc, nước mắt, nước mũi nghẹn ngào.
- Ôi! Ông con trai cao quý của mẹ đã đi rồi! Ôi! Ông con trai suốt đời hiền lành, dịu dàng, nết na, mẫu mực… giờ không còn nữa! Trước khi mất, mẹ mới biết rằng ông là người cao cả, đức lớn hơn cả Đại Phạm Thiên! Thế nhưng đã muộn rồi, ôngcon ơi! Gần suốt một trăm năm, mẹ đã không tạo được, không tích lũy được một công đức nào cả trong cái tòa trang viện đồ sộ này! Mẹ đã không biết cung kính, cúng dường cho hằng trăm sa-môn, hằng ngàn sa-môn chân chánh và cao thượng. Mẹ đã không xây cất được một tịnh xá, không dâng được một mảnh đất, chưa thật sự phát tâm hoan hỷ dâng một chút ít vật thực cho đức Phật cao cả và tăng chúng thánh hạnh! Ôi! Than ôi! Của cải chất đầy rương, đầy hòm mà mẹ chưa có một chút phước báu nào cả ông con ơi!
Bà Sārī kể lể cho đến khi mặt trời lên cao. Bảy vị A La Hán ngồi đại định ở xung quanh nhục thể của tôn giả. Nhìn sự yên tĩnh ấy, yên tĩnh một cách lạ lùng, một hồi, tâm bà thanh thản hơn. Chư tăng lần lượt bước vào đảnh lễ.
Tôn giả A Nậu Đà La xuất thiền, khẽ nói nhỏ vào tai bà Sārī:
- Không nên khóc nữa, thưa mẹ! Con trai của mẹ đã nhập Niết Bàn, nghĩa là đã đi vào chốn an vui bất tử, từ rày không còn dính một tí đau khổ nào nữa, dầu chỉ là đầu ngọn cỏ Kusa! Mẹ hãy tỉnh táo, lau ráo nước mắt, lo hậu sự cho con trai mẹ, với tất cả tấm lòng của mẹ, rồi mẹ sẽ cảm thấy yênvui và mát mẻ lạ lùng!
Thưa mẹ! Mẹ chỉ mất đi một người con đức hạnh, nhưng chúng con lại mất đi cả Một Kho Tàng Pháp Bảo, mất đi một Ngôi Sao Sáng bên cạnh đức Tôn Sư; mất đi một người cha, một người mẹ, một người anh cả trong giáo hội vàTăng đoàn.Chúng con mất mát lớn hơn cả mẹ nữa đấy! Mẹ hãy nhìn xem chư tăng kìa! Anh trai trưởng của chúng con ra đi, cả năm trăm đứa con kia, mới chỉ là số ít thôi, đã cảm thấy bơ vơ không có nơi nương tựa! Nhưng định luật của tự nhiên là vậy, có sinh thì có diệt, có tụ thì có tan!
Còn vấn đề tạo công quả thì không có gì phải muộn màng! Chư tăng còn chầu bên linh giác, đức Phật còn tại thế, giáo hội còn trường tồn. Mẹ hãy chứng tỏ cho các thôn làng xung quanh đây, những ngôi làng bà-la-môn kỳ cựu biết rằng mẹ là mẹ của bảy vị A La Hán cao cả, mẹ đã đứng vững trong Chánh Pháp, mẹ có Đức Tin Bất Động với Tam Bảo, mẹ đã nếm được hương vị của Đạo Bất Diệt. Thưa mẹ! Những lời con đã mạo muội nói ra như vậy, mẹ nghĩ có đúng không?
Bà Sārī gật đầu mạnh mẽ:
- Rất đúng, hoàn toàn đúng, thưa tôn giả! Các ngài và ông con trai của tôi nói lời nào là đúng lời ấy mà trước đây tôi vì quá mê muội nên không thấy. Hãy cho tôi được sám hối đức Phật, đức Pháp và đức Tăng.
Bà quỳ xuống đảnh lễ, cả bảy vị A La Hán đều lặng lẽ chứng minh cho lời sám tội ấy.
Sau đó, bà Sārī rộng tay mở kho tàng, lấy ra những rương to, rương nhỏ vàng ngọc, nữ trang trông đến chóa mắt. Thế rồi hằng trăm gia nhân chạy tới chạy lui xuôi ngược. Hằng chục trưởng lão trong thân quyến ăn vận nghiêm trang đến nhà theo lời mời của bà Sārī. Hằng trăm thợ thầy danh tiếng, hằng trăm người phụ việc tuân lệnh răm rắp theo lời chỉ dẫn của bà. Từng núi lương thực được chở đến. Vật liệu, hương liệu, tràng hoa, vật thơm, vải vóc… ngựa xe nườm nượp. Gỗ chiên đàn, gỗ thơm hương vàng theo thuyền trên nguồn tải về.
Thế là chỉ trong ba ngày, một ngôi Nhà Hội Tế được dựng ngay chính trung tâm làng Nālakā. Tất cả cột và vòng khung toàn bằng gỗ quý, thếp vàng, thếp bạc. Chính giữa ngôi Nhà Hội Tế có hai mái che phủ rộng rãi, có bao lơn, có trường bản được khắc chạm tinh vi với những trụ cột cũng được bọc vàng bên ngoài. Tất cả khí cụ thờ tế hoặc trang hoàng khác cũng bằng vàng, bằng bạc hoặc những khí vật đắc tiền.
Thật là tài tổ chức, sự khéo léo sắp đặt, chỉ huy của bà Sārī vẫn còn hiệu năng, đắc dụng như thuở nào! Cả mấy làng trầm trồ thán phục một bà lão trên trăm tuổi. Chưa thôi, hằng ngày, gia nhân chăm lo vật thực đầy đủ, sung mãn, thượng vị cúng dường cho năm trăm thầy tỳ-khưu. Hằng ngày, số người ăn, cả quan khách, thầy thợ và gia nhân bao giờ cũng trên ngàn người. Một mình bà Sārī quán xuyến tất cả.
Đến ngày thứ tư, quan khách đông hơn, và tôn giả A Nậu Đà La nói với bà Sārī là rất nhiều vị thiên, địa tiên, thọ thần, rồng, da-xoa… cũng trà trộn xen lẫn vào đấy để cùng tham dự. Có điều hay là mặc dầu đã ở trong hàng ngũ chánh đạo, bà Sārī vẫn để cho các trưởng giáo bà-la-môn và quan khách tổ chức hội tế theo truyền thống, tập tục của dân làng. Khi số người đông đảo ấy đã hành lễ suốt mấy ngày theo nghi thức tang lễ cổ truyền đã xong, bà cho dựng ngay một dàn hỏa thiêu cao trọng bằng tất cả các loại gỗ quý nhất, củi đốt cũng bằng gỗ trầm hương. Nhục thể của tôn giả Xá Lợi Phất được quấn bằng hằng trăm mét lụa Kāsi quý báu, tẩm dầu hương; rồi được phủ bằng hàng chục loại hoa tươi, hương liệu thơm như đinh hương, hồi hương, nước hoa ngát ngào đủ loại; và được tôn trí trên cao…
Thế rồi, chư tăng đứng quanh mấy vòng quanh, tụng những biến kinh về vô thường, khổ não, vô ngã. Ba vị tỳ-khưu-ni A La Hán, em của ngài, ngồi quỳ lặng lẽ bên linh giác. Bốn vị A La Hán, dẫn đầu là tôn giả A Nậu Đà La, cầm những bó mồi bằng rễ cây Usīva thơm hương, châm lửa đốt. Lời kinh của năm trăm người đọc quả có uy lực kinh thiên động địa, dào dạt, ùn ùn như sóng lượn giữa không gian. Lửa bốc cháy, thơm ngào ngạt, lan xa cả mấy ngôi làng…
Trong đêm hỏa thiêu ấy, có mấy ngàn người tham dự cùng vô số chư thiên, phạm thiên chứng kiến. Tôn giả A Nậu Đà La và ba vị thánh tăng em trai ngài thay nhau thuyết pháp không nghỉ. Khi lửa tàn chỉ mới cuối canh hai, tôn giả A Nậu Đà La và Mahā Cunda lấy những thùng nước hoa tưới tắt những cục than âm ỉ khói. Trưởng lão Mahā Cunda đến góp nhặt xá-lợi vào vuông vải lọc.
Bà Sārī đưa ra một cái hộp bằng vàng để đựng di cốt nhưng trưởng lão Mahā Cunda nói:
- Không, thưa mẹ! Chỉ vuông vải lọc của thầy tỳ-khưu như thế này là đẹp lắm rồi. Con sẽ đi ngay, kịp thời về trình báo với đức Thế Tôn. Con không thể lưu lại đêm hay lưu lại một giây khắc nào nữa cả.
Nói xong, trưởng lão Mahā Cunda chào mẹ, chào tôn giả A Nậu Đà La, chào các em; sửa lại y bát, buộc vuông vải lọc chứa đầy xá-lợi, đồng thời cầm luôn y tăng-già-lê và bình bát, là di vật tùy thân của tôn giả Xá Lợi Phất, cấp tốc lên đường về Xá Vệ.
Bà Sārīđưa mắt lặng lẽ, ngậm ngùi nói:
- Chẳng lẽ con đành đoạn mang đi hết sao? Con chẳng để lại một chút xíu gì di vật của anh trai con cho mẹ và ngôi làng Nālakā này tưởng niệm hay sao?
- Có đây rồi mẹ!Trưởng lão Upasena nói – Anh trai con chu đáo lắm, có để lại cho mẹ đây.
Rồi tôn giả trao cho mẹ vuông vải lọc của thầy tỳ-khưu, trong đó có mấy ngôi xá-lợi sáng lấp lánh. Tiếp theo sau đó, Revata, Cālā, Upacālā, Sīsupacālā đều đưa những vuông vải lọc ra cho bà Sārī xem. Hóa ra vị nào cũng có một ít xá-lợi của tôn giả cả.
Tôn giả A Nậu Đà La bèn giải thích cho bà Sārī hiểu:
- Vì ân đức của tôn giả, của con trai trưởng của mẹ quá lớn, nên chúng tôi đã đồng chia nhau mỗi vị một ít, mang về nơi trú xứ, xây dựng bảo tháp để cho chư tăng và hai hàng cư sĩ áo trắng các nơi có cơ hội chiêm bái, phụng thờ!
Bà Sārīmừng đến chảy nước mắt. Những giọt nước mắt hân hoan, thanh khiết.
Ít hôm sau, bà đã bỏ tiền của ra không tiếc, hết lòng kiến tạo một ngôi bảo tháp để tôn thờ xá-lợi của tôn giả Xá Lợi Phất, một hiện thân siêu việt đã làm thơm lây ngôi làng Nālakā nhỏ bé này.
2- Tôn Giả Mahā Moggallāna
(Đại Mục Kiền Liên)
blank
Tôn giả Mục Kiền Liên
Hôm kia, vào sớm tinh sương, tôn giả Mahā Moggallāna đến đảnh lễ đức Phật khi ngài đang đi kinh hành giữa vườn cây. Biết là có việc quan trọng nên đức Phật dừng chân lại:
- Ông có việc gì, cứ nói đi?
- Về việc của mẹ đệ tử, bạch Thế Tôn.
- Ừ, Như Lai biết khi bà mất, ông cùng chư tăng đệ tử đã có mặt kịp thời để tụng kinh chú nguyện. Nghe nói, ông đã làm lễ hỏa táng nhục thân bà rất chu đáo, dị giản nhưng trang nghiêm. Vậy là tốt rồi. Người con trai của giống dòng sa-môn chỉ có thể làm được như thế thôi.
- Vâng! Nhưng đệ tử biết là không thể cứu được mẹ. Mong đức Tôn Sư chỉ giáo.
Đức Phật bước vào hành lang, ngồi trên tấm nệm cỏ, rồi câu chuyện được tiếp tục.
- Ông cứ nói đi!
Tôn giả Mahā Moggallāna lựa tìm chỗ ngồi phải lẽ rồi thưa rằng:
- Đệ tử biết rõ về tội phước, nhân quả, nghiệp báo. Thuở còn sanh tiền, không biết bao nhiêu lần, đệ tử đã từng khuyên răn mẹ nên có đức tin chân chánh, nên kiềm chế bớt cơn nóng giận, nên có tấm lòng thương yêu người và vật, nên rộng lòng giúp đỡ kẻ ăn, người ở, bà con, quyến thuộc… nhưng tất thảy đều hoài công vô ích. Với tâm như vậy, nghiệp như vậy nên chắc chắn bà đã sa vào bốn đường khổ rồi…
- Cụ thể bà thường tạo những nghiệp xấu ác như thế nào, này Moggallāna?
- Thưa, thật là quá nhiều, không kể xiết đâu! Thân khẩu ý gì cũng bất chánh, bất thiện cả. Trong những ngày lễ của đạo bà-la-môn, toàn thể gia đình chỉ ăn ngũ cốc, rau trái nhưng các ngày khác thì bà thẳng tay giết vật, lựa tìm cái gì ngon mà ăn thôi, còn lại bà quăng bỏ. Lại còn cho vay nặng lãi. Lại còn buôn một bán mười. Lại còn bòn rút của thiên hạ không từ nan bất cứ thủ đoạn lường gạt nào. Lại còn rít róng, keo kiệt với kẻ ăn, người ở. Lại còn đâm thọc, chanh chua miệng lưỡi. Suốt đời chỉ biết thâu vào, không chịu cho đi dù một vá cơm, một muỗng cháo, một tấm áo, một xu, một cắc cho người cùng khổ, đói nghèo! Nói tóm lại, cả mười nghiệp ác bà đều dính cả, lại không làm được một nghiệp thiện nào. Tâm xấu ác của bà đã trở thành cố tật, nhưng nổi bật nhất vẫn là tâm tham lam vô tận, vô độ, bạch Thế Tôn!
- Trong trường hợp của bà thì không ai có thể cứu được đâu, này con trai!
- Vâng, đệ tử biết vậy. Nhưng bên lòng vẫn canh cánh hình ảnh của mẹ đang chịu cực hình thống khổ, không phải địa ngục thì cũng là ngạ quỷ thôi.
- Thế ông có tìm ra sanh thú của mẹ ông chưa?
- Hồi đêm, đệ tử đã sử dụng năng lực thần thông, tìm kiếm chỗ tái sanh của mẹ. Đệ tử đã tìm kiếm khắp các cõi người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục… nhưng không thấy. Gần sáng, khi rà soát chỗ gần biên ranh các đại địa ngục thì đệ tửchợt thấy mẹ ở trong một chỗ ẩm thấp, tối tăm, lạnh lẽo nhưng không rõ thuộc cảnh giới nào. Tuy nhiên, quan sát cho kỹ thì đấy không phải là địa ngục băng giá hay địa ngục viêm hỏa, vì băng giá hay viêm hỏa thì sẽ chịu cực hình kinh khiếp hơn nhiều. Ở đây, tại chỗ đấy, thân xác của mẹ là một bộ xương khô, xanh xao, trông như đã bị nhịn đói cả trăm năm, cả ngàn năm vậy đó.
- Chỗ của mẹ ông được gọi là cận biên địa ngục, nó không nằm trong bát đại hàn băng (1), không nằm trong bát đại viêm hỏa (2). Mẹ ông không thuộc địa ngục, không thuộc ngạ quỷ nên ông không biết cảnh giới nào cũng phải. Thân mẹ ông gầy ốm như bộ xương thì giống ngạ quỷ, nhưng ở chỗ ẩm thấp, tối tăm gần địa ngục hàn băng nên lạnh lẽo, rét buốt.
- Vâng, đúng là vậy, bạch Thế Tôn! Tuy đệ tử biết cảnh địa ngục thường chịu quả nghiệp đau khổ, thống khổ, bị thiêu, bị đốt, bị chặt, bị chém… chẳng ăn uống gì được. Cõi ngạ quỷ cũng vậy, đói khát cả trăm năm, đói khát cả ngàn năm để chịu quả báo, có muốn ăn, muốn uống cũng tợ như nuốt kim, nuốt lửa, nuốt mủ, nuốt máu mà thôi! Thế nhưng, thấy mẹ đói quá chịu không được, đệ tử sử dụng thần thông giúp mẹ chút cơm, chút bánh; nhưng lần thứ nhất cơm bánh ấy biến thành than lửa, lần thứ hai thì cơm bánh ấy biến thành cục băng!
- Đúng là vậy rồi, này con trai! Sức mạnh của nghiệp ấy, năng lực thần thông của ông cũng bất lực thôi.
- Đệ tử không nghĩ ra cách gì giúp mẹ thoát khỏi cảnh khổ đó được, bạch Thế Tôn.
- Ông không có gì phải canh cánh bên lòng nữa. Ông đã làm hết bổn phận và trách nhiệm của một người con hiếu rồi. Khi bà còn sống, ông đã tìm cách năm lần bảy lửa khuyến giáo mẹ trở về đường ngay nẻo chánh, làm lành lánh dữ rồi. Khi bà mất đi, ông tụng kinh chú nguyện, ông lo hỏa táng chu đáo, và cũng đã tìm cách cứu mẹ ra khỏi khổ đồ, tuy bất lực. Ngoài ra, suốt gần bốn mươi năm sống đời phạm hạnh thiêng liêng và gương mẫu, ông đã cứu độ cho không biết bao nhiêu dạ-xoa, rồng, trời, người các cõi. Chính công đức ấy, sức mạnh thắng trí, thắng hạnh ấy đã gánh một phần nghiệp cho mẹ ông, đã nâng đỡ bà đến bảy đời tiếp theo nữa đó, này con trai!
- Điều này đệ tử chưa hiểu tới.
- Đấy thuộc về trí của bậc Toàn Giác. Nhờ trí của bậc Toàn Giác, Như Lai còn biết rằng, mẹ của ông cũng có thể có cách cứu độ được.
- Đệ tử xin lắng nghe.
Đức Phật chợt nhìn ra sân vườn, đưa tay chỉ một ngọn lá xanh bị sâu đục trước tầm mắt.
- Ông có thấy chiếc lá bị sâu đục kia chăng?
- Đệ tử có thấy.
- Chiếc lá ấy đang xanh, ông thử dùng năng lực tâm làm cho chiếc lá ấy vàng được không?
- Thưa được!
Rồi tôn giả chỉ cần đưa tầm mắt nhìn, chú tâm một sát-na, chiếc lá đang xanh tức khắc thành màu vàng úa.
Đức Phật thong thả nói:
- Năng lực của tâm mà làm cho lá xanh thành lá vàng là chuyện nhỏ, quá nhỏ. Như Lai còn nhớ, không phải ông mà là đệ tử của ông, tỳ-khưu Piṇḍolabhāradvāja đã hút dính tảng đá lớn, to cao hơn cả cái nhà bay quanh thành Vương Xá ba vòng để lấy cái bát gỗ đàn hương đỏ rực của ông triệu phú… cái năng lực ấy lớn hơn chứ, con trai?
- Đúng vậy, quả vậy! Đệ tử chỉ cần nhiếp tâm vào định tứ thiền, xuống cận hành, khởi tưởng, trú tưởng, làm kiên cố tưởng thì có thể nhấc bổng cả núi Tu Di, bạch Thế Tôn!
- Ừ, đúng vậy! Như Lai biết rõ năng lực tâm của ông còn tối thượng hơn thế nhiều.
- Nhưng năng lực thần thông ấy, đệ tử cũng không thể cứu mẹ, bạch Thế Tôn.
- Tại sao? Tại sao không cứu được, ông có biết không?
- Thưa, năng lực ấy có thể chuyển hoá được vật chất nhưng không thể chuyển hoá được nghiệp!
- Đúng vậy! Thế thì cái gì có thể chuyển hoá được nghiệp?
- Ví như đức Thế Tôn bảo, công đức tu trì thanh tịnh của đệ tử có thể gánh một phần nghiệp của mẹ?
- Chính xác! Đức Phật gật đầu rồi nói tiếp – Nếu như dồn tụ, huân tụ năng lực tu trì thanh tịnh của trăm vị, ngàn vị, hai ngàn vị… để chú nguyện, thì với sức mạnh ấy có thể giúp mẹ ông thoát khỏi khổ đồ đấy, con trai! Nay mùa an cư cũng sắp mãn, Tăng chúng hiện nay ở Kỳ Viên và ở Lộc Mẫu có đến ba ngàn vị. Nếu bà con quyến thuộc của ông, có khả năng đặt bát cúng dường đến ba ngàn vị trong ngày lễ Kaṭhina; sau khi chư tăng thọ nhận rồi, họ sẽ chú nguyện quả phước thanh tịnh đến cho bà. Do nhờ vật thí thanh tịnh, do nhờ thân khẩu ý thanh tịnh của ông và bà con quyến thuộc, do nhờ công đức tu trì thanh tịnh của ba ngàn tỳ-khưu thánh phàm tăng sau ba tháng an cư – nhất định mẹ ông sẽ được siêu thoát, này con trai!
Nghe đến đây, tôn giả Mahā Moggallāna hoan hỷ đến tận chân tở kẽ tóc, quỳ sụp xuống bên chân đức Đạo Sư.
Thế rồi, tôn giả trình bày sự việc với bà con quyến thuộc, nội ngoại hai bên gia tộc; và họ đã hùn góp ngân khoản, mua sắm cả mười mấy chiếc xe lương thực, thực phẩm các loại, tổ chức một cuộc cúng dường lớn đến chư tăng hai ngôi đại tự trong ngày mãn hạ. Đại thí chủ Visākhā, ông trưởng giả tiểu Cấp Cô Độc, đức vua Pāsenadi, cư sĩ Citta cùng một số đại phú gia, thương gia khác trong kinh thành, nghe vậy, họ hoan hỷ hùn góp mấy ngàn tấm y và bát cùng vật dụng phụ tùy liên hệ cho cuộc lễ thêm phần trang trọng, hỷ mãn.
Và đúng như sự thấy biết của bậc Toàn Giác, nhờ công năng thanh tịnh của Tăng, nhờ uy lực của phước báu nâng đỡ, mẹ tôn giả Mahā Moggallāna được sanh thiên, làm thuộc hạ tùy tùng Tứ đại thiên vương. Vị trưởng lão nào có thắng trí đều biết rõ, thấy rõ như vậy.
Sau cuộc lễ, tại giảng đường Lộc Mẫu, cận sự hai hàng ngồi đầy đặc, tôn giả Sāriputta thay đức Phật kể lại nhân và quả cho đại chúng nghe. Tôn giả còn giải thích thêm rằng, trong cuộc lễ Kaṭhina hằng năm, sau mùa chư tăng mãn hạ; bất cứ ai muốn hồi hướng phước báu cho cha mẹ, cho bà con quyến thuộc nhiều đời đều có thể tổ chức đặt bát, trai Tăng, hay cúng dường tứ sự tại các tịnh xá, tu viện Tăng hoặc Ni. Nếu thí chủ cúng dường với tâm thanh tịnh, người thọ nhận là Tăng ni có giới luật thanh tịnh thì kết quả sẽ như ý nguyện.
Cuối buổi giảng, tôn giả Sāriputta còn cho biết thêm rằng, một hội chúng khả dĩ đại diện cho Tăng là bốn vị tỳ-khưu hay bốn vị tỳ-khưu-ni trở lên, nhiều hơn thì càng tốt; nếu chỉ một hoặc hai vị thì không thể gọi là đại diện cho Tăng được, năng lực phước báu sẽ giảm đi.
Nguyên do tôn giả Mục Kiền Liên là người đầu tiên nhờ đức Phật chỉ bày cách tổ chức đặt bát cúng dường tứ sự đến Tăng để chú nguyện cho mẹ trong ngày lễ Kaṭhina (3) mãn mùa an cư – nên sau này, khi nhắc đến tôn giả, ai cũng bảo ngài là bậc đại hiếu. Nhưng tôn giả Xá Lợi Phật báo hiếu mẹ, đưa mẹ vào dòng giải thoát thì càng là bậc đại hiếu hơn nữa.
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Ghi chú:
(1) Tức là 8 đại địa ngục băng giá, mỗi đại địa ngục có 16 tiểu địa ngục; vậy có tất thảy 128 tiểu địa ngục băng giá.
(2) Tương tự như trên, có 128 tiểu địa ngục viêm hoả.
(3) Khi Phật giáo sang Trung Quốc, lễ Kaṭhina, sau ba tháng an cư kiết hạ, trở thành lễ Vu Lan. Còn theo truyền thống Nam tông, thì “Vu Lan” chính là những ngày lễ dâng y Kaṭhina – sau ngày 16 tháng 9 ÂL. như ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét