Lòng Từ Trải Khắp

Nhà văn Amy-Lowell đã nói rằng “Một nơi sẽ chẳng là gì cho dù đó là thiên đường, nếu như nơi đó không có chỗ cho trái tim ngự trị”.

Thật vậy, cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu không có tình thương. Và thế gian sẽ đượm một màu u ám khi người với người thiếu hai chữ từ bi. Và pháp sư Hợp Trần dạy rằng: “Một người thà rằng không có gì, nhưng không thể không có lòng từ bi

Từ bi là tính chất đặc trưng căn bản của đạo Phật, điều này chúng ta thấy rõ trong giao tiếp ứng xử giữa những người con Phật với nhau. Nhưng theo tinh thần đạo Phật, thương yêu phải gắn liền với bình đẳng và nếu thương yêu còn phân biệt thân sơ thì lại rơi vào tiêu cực dính mắc. Lòng từ bi nên ban rải chan chứa khắp nơi “ rộng như pháp tánh cứu cánh như hư không” không ngằn mé hạn lượng và chẳng có điểm dừng. Thân với một người mà sơ với nhiều người như vậy đã rơi vào luyến ái của thế gian.

Lắng đọng tâm tư nhìn lại cuộc đời Thế Tôn khi thành chánh quả ngài đâu vội về liền độ cha mẹ, vợ con. Bởi lẽ Thế Tôn đi tu chẳng phải độ riêng gia quyến mà Ngài tìm cầu hạnh phúc cho vạn loài chúng sanh. Tình thương của Phật dành cho chúng sanh vô biên và không phân biệt. Không những Phật cho vương tôn quí tộc xuất gia mà tiếp nhận cả giai cấp mà xã hội Ấn Độ bấy giờ cho là hạ tiện được vào hàng Tăng Bảo. Sơ lược như vậy để cho chúng ta suy ngẫm và ít nhiều học theo hạnh của Ngài. Hễ thương thì thương cho tất cả chớ đem tâm phân biệt. Giống như Thế Tôn thương chúng sanh như La-Hầu-La vậy.

Ở một số chùa, tu viện trước cổng tam quan thường ghi câu:

“Mỗi người mỗi nước mỗi non

Bước vào cửa đạo là con một nhà”

Câu kệ trên là lời dạy của bậc cổ đức với hàng hậu học về đạo lý của một người Phật tử. Dù ta với người khác nhau quê hương, xứ sở nhưng một khi đặt chân vào đạo thì tất cả là ruột thịt anh em. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta có chung cha lành Thích Ca, có chung mục đích giải thoát.

Và câu kệ còn mang ý nghĩa thứ hai, đó là lúc chúng ta bắt đầu vào cư trú trong nhà đạo, thì nhìn nơi nào và người nào cũng là huynh đệ anh em với nhau. Đã như vậy hà cớ gì phân biệt thân sơ. Như trong kinh Từ Tâm: “thương người quen lẽ tất nhiên, cũng thương những kẻ chưa quen bao giờ” Vậy chúng ta phải làm sao đây? Lúc này mình hãy dùng tuệ giác nhà Phật để có một cái nhìn đúng như thật.

Trong kinh Tương Ưng Bộ, Phật dạy rằng: “Nhất thiết chúng sanh giai thị quá khứ phụ mẫu, vị lai chư Phật” nghĩa là tất cả chúng sanh đều là cha mẹ ở quá khứ, chư Phật ở tương lai. Vậy tại sao mình còn thương người này ghét bỏ người kia. Ví như lúc nhỏ ta rời xa quê hương, vài chục năm sau về lại chỗ cũ, bấy giờ bà con hàng xóm chẳng có thể nhận ra ta. Huống chi chúng ta luân hồi trong lục đạo, thay hình đổi dạng khó mà nhớ được mối quan hệ trong tiền kiếp xa xưa. May thay đấng đạo sư dùng huệ nhẫn để cho chúng ta thấy biết đúng đắn. Và tới đây hiểu rõ nguồn cội, tình thương nơi ta dường như nới rộng ra nhiều thêm. Đúng vậy gút này vừa mở, thì gút khác lại xuất hiện. Đối với người thấy ghét, khó ưa thì làm sao ta có thể dễ dàng yêu thương họ? Gặp trường hợp này, mình nên suy nghĩ như cái thấy ghét khó ưa là do tập khí nhiều đời, nhiều kiếp huân tập lại. Nay có cố gắng nhưng chưa thể một ngày, một bữa mà đoạn tiệt hẳn nó đi. Ví như cái bình trước đó đựng thuốc độc giờ ta đổ hết ra ngoài nhưng hơi độc vẫn còn xót lại trong bình. Hiểu được điều này ta sẽ có lý do mà thông cảm cho người.

Vậy riêng đối với kẻ thù thì sao có thể thương được. Lúc này mình nên nghĩ đến vô thường của mỗi người trong đó có ta và chúng ta, quán niệm về cái chết của mỗi con người thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng tha thứ và yêu thương họ. Như lời Phật dạy: “Lòng bao dung sẽ biến kẻ thù thành bạn”. chúng ta hãy rưới nước từ bi, đức độ xuống lửa hận thù:

Hận thù diệt hận thù,

Ðời này không thể ,

Từ bi diệt hận thù,

Là định luật ngàn thu.”

(Pháp Cú 5)

Mong rằng mọi người luôn sống chan hòa, thương yêu nhau, trân trọng nhau như anh em ruột thịt.

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau

Tâm Mãn

nguon chuahoangphap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét